Một số trường hợp điển hình Diễn_biến_hòa_bình

Diễn biến hòa bình tại Liên Xô

Tại Liên Xô, phương Tây đã thành công trong việc cài cắm những nhân vật có tư tưởng sùng bái phương Tây nắm quyền tại các cơ quan truyền thông, báo chí, tuyên truyền lớn của đất nước. Ví dụ, từ 1986 đến 1988, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay thế bởi những người ủng hộ chủ trương “Tây hóa”, từ đó các tờ báo này đã gây khuynh đảo dư luận, làm cho nhiều người ngộ nhận và ảo tưởng đối với chủ nghĩa tư bản phương Tây, tạo tiền đề để gây sự bất mãn trong nhân dân, khiến họ quay sang công kích chủ nghĩa xã hội. Năm 1959, lần đầu tiên có 4 cán bộ của Liên Xô sang học ở Mỹ, 2 trong số đó là A. Yakovlev, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng-lý luận và tướng tình báo C. Danilovich về sau đã có liên hệ với tình báo Mỹ (CIA)[31]

Đến thập niên 1980, các nước phương Tây bắt đầu tài trợ thành lập một loạt các tổ chức phi chính phủ ở Liên Xô. Các tổ chức phi chính phủ này ra sức truyền bá tư tưởng, lối sống và văn hóa phương Tây để tác động tới tư tưởng văn hóa, đạo đức của người dân Liên Xô[32]. Về mặt truyền thông, trước tiên là phá vỡ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Liên Xô với hệ thống truyền thông - báo chí, tiếp đó là đòi thành lập các nhà xuất bản tư nhân, báo chí tư nhân, thu hẹp quyền lực của Chính phủ trong các hoạt động xã hội[33].

Tháng 1/1987, Gorbachev đề xướng phong trào xét lại lịch sử Liên Xô, các nhà báo thân phương Tây được cài cắm trong các cơ quan báo chí lập tức viết hàng loạt bài công kích: công nghiệp hóa đất nước của Stalin là "vô tích sự", phóng đại sai sót của Stalin thời kỳ đầu chiến tranh, thậm chí phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Sau đó, việc phê phán Stalin dần dần chuyển sang phê phán, phủ định thành quả của Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Marx - Lenin. Các loại ấn phẩm, phát thanh truyền hình quay sang chỉ trích lịch sử cách mạng, mặt trận báo chí của Đảng Cộng sản Liên Xô dần bị "đánh chiếm", tư tưởng Đảng viên và nhân dân Liên Xô trở nên dao động dữ dội, lòng tin vào sự nghiệp Cách mạng sụt giảm nghiêm trọng, trong khi những luận điệu phê phán dù vô căn cứ lại được coi là chân lý. Kết quả là trong lúc nguy cấp, đã không còn ai đứng lên để bảo vệ Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Năm 1994, nhà văn Yuri Boldarev khi nhìn lại tình cảnh của thời kỳ này đã nói: “Trong sáu năm, báo chí Liên Xô đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội Đức Quốc xã tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta vào những năm 1940. Quân đội Đức có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ, đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi khuẩn hủy diệt tư tưởng của nhân dân”[34].

Diễn biến hòa bình trên lĩnh vực báo chí - tư tưởng ở Liên Xô cuối thập niên 1980 thể hiện qua các mặt sau[35]:

  • Thứ nhất: Đảng dần mất đi sự kiểm soát với truyền thông, báo chí và giới lý luận. Xuất hiện rất nhiều bài viết xét lại lịch sử, xét lại chủ nghĩa xã hội trên báo chí mà không bị ngăn chặn và xử lý.
  • Thứ hai: các "tổ chức phi chính phủ" xuất hiện rất nhiều (hơn 30.000 tổ chức vào năm 1987), trong đó nhiều tổ chức nhận tài trợ nước ngoài, vận động ngầm hoặc công khai truyền bá tư tưởng phủ nhận Nhà nước Liên Xô.
  • Thứ ba: Làn sóng xét lại lịch sử, phủ định lịch sử ở Liên Xô lan rộng. Tháng 6/1988, báo Tin tức công khai đăng bài chỉ trích bộ giáo trình Lịch sử Liên Xô đang được giảng dạy trong trường học, rồi sau đó chính ngành giáo dục cũng bãi bỏ giáo trình này. Đến cuối năm 1988, có những tờ báo báo công khai xét lại, phủ nhận vai trò của Cách mạng Tháng Mười.

Tháng 4/1989, Gorbachev kêu gọi các ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tuổi đã cao hãy nghỉ hưu. 115 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết đơn xin nghỉ hưu vì tin rằng đất nước sẽ phát triển hơn với đội ngũ được trẻ hóa. Đây chính là sai lầm của những người cộng sản trung thành trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong ba năm 1987-1989, khoảng 50% cán bộ cơ quan chiến lược trong quân đội, hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch - chiến lược và 30% tướng lĩnh bị cách chức hoặc loại khỏi quân đội với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”, thay thế họ là những phần tử “cấp tiến”. Từ năm 1986 đến 1988, một loạt cán bộ chủ chốt của các tờ báo có ảnh hưởng lớn tại Liên Xô được thay thế bởi những người ủng hộ chủ trương “Tây hóa” của Gorbachev, từ đó các tờ báo này đã khuynh đảo dư luận, làm cho nhiều người dân ảo tưởng vào phương Tây[36]

Việc kiểm soát báo chí, truyền thông bị buông lỏng, dẫn tới việc báo chí Liên Xô bị tiền bạc và lợi ích thương mại chi phối vào cuối thập niên 1980, các tờ báo đua nhau khai thác những vấn đề gây sốc như tình dục, bạo lực... Ngay cả một số tờ báo giàu truyền thống như báo Đoàn viên thanh niên cộng sản Mátxcơva cũng trở thành "báo lá cải vỉa hè", thường xuyên đăng những nội dung tình dục, loạn luân nhằm thu hút độc giả. Trên truyền thông xuất hiện những ý kiến đòi mở nhà chứa và hợp pháp hóa mại dâm, có người thậm chí công khai kiến nghị thành phố Mátxcơva dành riêng một "khu đèn đỏ" để tổ chức mại dâm công khai. Dưới ảnh hưởng của thị trường và cám dỗ vật chất, báo chí, truyền hình, phát thanh cũng như các nhà xuất bản đua nhau theo đuổi lợi nhuận, không những quên đi trách nhiệm chính trị, thậm chí mất đi cả lương tâm xã hội. Các tác phẩm học thuật nghiêm túc thì gần như vắng bóng, chỉ được in ấn nội bộ để trao đổi trong phạm vi hẹp[37].

Đảng Cộng sản Liên Xô đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách và đã vượt qua tất cả: Năm 1917, 35 vạn đảng viên đã lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của Sa hoàng, cùng nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước để bảo vệ thành công cách mạng. Năm 1941, 5.540.000 đảng viên đã cùng nhân dân chiến thắng phát xít Đức trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, lãnh đạo công cuộc xây dựng Liên Xô trở thành siêu cường. Vậy nhưng, năm 1991, Đảng Cộng sản Liên Xô với 20 triệu đảng viên lại sụp đổ, không phải do kẻ thù bên ngoài, mà chính là do những mầm mống diễn biến, tự diễn biến tư tưởng bên trong nội bộ Đảng[31].

Từ thập niên 2000 tới nay

Tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô là sự tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đến thập niên 2000, các cuộc "cách mạng sắc màu" - một dị bản của "diễn biến hoà bình" có kết hợp với yếu tố bạo loạn lật đổ - cũng được thực hiện thành công ở một loạt các nước. Mặc dù có những điểm không giống nhau, nhưng "cách mạng đường phố", "cách mạng Nhung", "cách mạng Cam", Mùa xuân Ả Rập... đều có điểm chung: tiến hành hạ bệ chính quyền thông qua biểu tình. Theo Đại tá, PGS, TS Văn Đức Thanh, đây là những cuộc đảo chính lật đổ chính quyền theo kiểu dùng "bạo lực đường phố", sử dụng quần chúng địa phương bị kích động bởi những trung tâm quyền lực từ bên ngoài[26].

Mùa xuân Ả Rập hoặc các cuộc “cách mạng sắc màu” có những điểm chung là[38]:

  • Đều nhằm thay đổi chế độ cầm quyền: Nếu các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Đông Âu mượn cớ phản đối sự “gian lận trong bầu cử tổng thống” để giành chính quyền thì “Mùa xuân A-rập” xuất phát từ các khủng hoảng kinh tế - xã hội.
  • Phương pháp đều dựa trên cơ sở luận thuyết chính trị mang tên “đấu tranh phi bạo lực” (biểu tình đông người, bất tuân dân sự...) mà tác giả là Gene Sharp, một chuyên gia chính trị nổi tiếng ở Mỹ. Nội dung luận thuyết này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến tới nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, “đấu tranh phi bạo lực” chỉ là giai đoạn ban đầu, sau đó các lực lượng đối lập sẽ thực hiện bạo loạn loạt đổ hoặc chiến tranh quân sự quyết liệt nhất nếu thấy cần thiết, đẩy đất nước vào nội chiến hoặc bị quân đội nước ngoài tấn công.
  • Các nhà tổ chức các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Gruzia, “cách mạng cam” ở Ucraina và Mùa xuân Ả Rập ở các nước Bắc Phi và Trung Đông... là các cơ quan tình báo của các nước phương Tây, các tổ chức phi chính phủ, các "quỹ tài trợ dân chủ", các tổ chức xã hội dân sự... thậm chí cả các lực lượng đặc nhiệm từ bên ngoài có chức năng huấn luyện chiến thuật quân sự cho các lực lượng đối lập để nếu cần, các lực lượng đối lập có thể sử dụng chiến tranh để lật đổ chính phủ. Trên thực tế, nhiều cuộc chính biến ở Đông Âu, Trung Đông đã chuyển từ "phi bạo lực" ban đầu sang chiến tranh quy mô lớn (nội chiến Syria, nội chiến Ucraina, nội chiến Libya, nội chiến Yemen...)

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diễn_biến_hòa_bình http://www.atimes.com/atimes/China/NA11Ad02.html http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/12/1... http://www.cbsnews.com/news/putin-talks-gay-rights... http://www.huffingtonpost.com/nathan-gardels/wei-j... http://www.newnownext.com/china-gay-crackdown/05/2... http://www.nytimes.com/2009/05/25/opinion/25iht-ed... http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1067056... http://www.thejakartapost.com/news/2012/02/16/comm... http://www.europarl.europa.eu/sides/getDoc.do?type... http://www.chinaheritagequarterly.org/features.php...